Cỗ máy kiếm tiền
Hợp đồng hiện tại của tay golf 23 tuổi này với Titleist/Footjoy sẽ hết hạn sau khi mùa giải 2012 kết thúc. Tin đồn về một bản hợp đồng khổng lổ từ Nike đã tràn lan trên các phương tiện truyền thông từ vài ngày nay. Times of Ireland là một trong những tờ báo đầu tiên đưa ra tin tức này. Khi họ tìm cách liên lạc với người đại diện của McIlroy, Conor Ridge, ông này tránh những bình luận liên quan tới các con số cụ thể. “Như tất cả chúng ta đều biết, Rory vẫn đang là người đại diện thương hiệu của Titleist. Bởi vậy, thẩm quyền của tôi là không đưa bất kỳ lời bình luận nào về tin đồn này”, Conor nói.
Thế nhưng tin tức về hợp đồng kỷ lục của McIlroy đã lan nhanh đến mức không cản nổi và thậm chí đã được nhiều người tin như đinh đóng cột, bởi chính tay golf người Bắc Ireland đang lên như diều gặp gió. McIlroy đã gặt hái hai danh hiệu lớn riêng trong năm 2011 (Mỹ mở rộng tháng 6, PGA hồi tháng 8). Trong năm 2012, với số tiền kiếm được đã vượt mức 10 triệu USD, anh đang được công nhận là một trong những vận động viên có giá trị thị trường quảng cáo lớn nhất hiện nay không chỉ bởi tài năng thiên bẩm và thành công khi còn rất trẻ mà còn bởi đời sống cá nhân sạch sẽ và nề nếp. Jordan Zimmerman, ông chủ của công ty quảng cáo Zimmerman, từng ca ngợi McIlroy trên ESPN: “Cậu ấy là một chàng trai mà tất cả các phụ huynh đều muốn con họ trở thành. Sự xuất hiện của Rory khiến cho rất nhiều ông bố bà mẹ nghĩ tới việc đưa đám trẻ của họ đến với golf”.
|
Rory McIlroy (phải) sẽ thay thế Tiger Woods trên đỉnh cao làng golf thế giới? |
Từ lâu McIlroy đã trở thành nỗi thèm khát của rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới. Ngoài Titleist, anh đang là đại diện hình ảnh của rất nhiều tên tuổi lớn khác như tập đoàn Jumeirah Group, Oakley, hãng đồng hồ xa xỉ Audemars Piguet, và ngân hàng Tây Ban Nha Santander. Nếu trở thành người của Nike năm sau, McIlroy chắc chắn sẽ là đối thủ mới trên thị trường quảng cáo của cựu số một thế giới Tiger Woods. Nhìn vào bức tranh tổng thể, Nike có nhiều lý do gì để đoạn tuyệt với Woods và kết giao với McIlroy. Tay golf người Mỹ đã 36 tuổi và chưa giành bất kỳ danh hiệu nào kể từ vết nhơ scandal ngoại tình năm 2008. Trong khi đó, Mcllroy ở tuổi 23, đang có những năm tháng sự nghiệp tươi sáng chờ đợi phía trước.
Điều đáng chú ý trong hợp đồng mới, nếu nó thành hiện thực, là con số choáng ngợp 250 triệu USD. Trở về năm 1996 khi Tiger Woods lần đầu gia nhập Nike, anh đã đặt bút ký vào một bản hợp đồng có thời hạn 5 năm với 40 triệu USD. Năm 2001, Nike gia hạn hợp đồng với con số kỷ lục 100 triệu USD cho 5 năm tiếp theo. Tất nhiên, trong khoảng từ 1996-2001, thế giới đã chứng kiến nhiều thay đổi và thể thao ngày càng được chú ý và có nhiều tiền hơn. Thế nhưng lúc bấy giờ Woods đã trở thành người thay đổi cả hình ảnh của môn golf trên quy mô toàn cầu, thậm chí là tác nhân gây ảnh hưởng rõ rệt đến các nguồn tài chính của bộ môn này. Bởi vậy, thật khó hình dung việc một tay golf trẻ như McIlroy, vẫn còn ít danh hiệu, lại chuẩn bị đạt ngưỡng một phần tư tỉ USD ở thời điểm kinh tế thế giới đang khó khăn như hiện nay.
Câu hỏi được đặt ra, liệu tay golf 23 tuổi này có thực sự đáng giá với những con số khổng lồ ấy? Việc ký hợp đồng với một cái tên còn quá non nớt, với bảng thành tích chưa thật sự thuyết phục (hai danh hiệu lớn) vượt quá số tiền đã từng gắn kết với Woods năm 2001 (thời điểm anh đã có tới 6 chức vô địch tại các giải đấu lớn) có vẻ như sẽ là một canh bạc. Thế nhưng nếu Nike muốn chờ đợi thêm vài năm nữa để McIlroy có thêm thành tích và danh tiếng, họ chắc chắn sẽ tự vuột mất cơ hội trở thành bệ phóng một siêu sao, thậm chí để mất anh cho những thương hiệu khác, hay tệ hơn, vào tay những tên tuổi đối địch trong ngành kinh doanh đồ thể thao.
Nếu bản hợp đồng thành sự thật, Nike và McIlroy sẽ chơi một nước cờ thách thức tất cả phần còn lại của thế giới. Bởi ngay cả David Beckham, người dẫn đầu danh sách năm bản hợp đồng thể thao lớn nhất mọi thời đại cũng chỉ nhận được 160 triệu USD từ Adidas, nhưng là thời hạn đến hết đời.
Bị so sánh với Tiger Woods
Trở thành tay golf trẻ nhất từng giành ngôi vô địch một giải đấu lớn kể từ chiến thắng của Tiger Woods ở Masters năm 1997, việc tên tuổi McIlroy lên như diều gặp gió là hoàn toàn tự nhiên. Sau scandal của Tiger Woods, sụp đổ một tượng đài, người hâm mộ cũng bắt đầu dè chừng hơn với cụm từ “thần tượng”. Nhưng sự có mặt của McIlroy một lần nữa lại thúc đẩy phong trào ấy, cái thứ niềm tin bất biến của con người vào một hình tượng đẹp đẽ đến hoàn hảo để họ noi theo. McIlroy, vô hình chung được gán ghép biệt danh “tiểu Tiger Woods” hay “Tiger Woods thứ hai”. Những so sánh là không thể tránh khỏi và đã nhan nhản trên mặt báo từ hai năm nay. Thế nhưng trên thực tế, hai tay golf này hoàn toàn không có nhiều điểm chung khi đem ra đặt lên bàn cân.
So sánh về mặt thành tích, McIlroy thua toàn tập từ tuổi nghề, tuổi đời cho đến số lượng. Woods 71, hai cho McIlroy. Vinh quang mà hai tay golf có được cho đến mốc 22 tuổi cũng khá chênh lệch. Woods sở hữu ba danh hiệu bán chuyên nghiệp Mỹ, vô địch NCAA 1996, vô địch Masters Champion 1997 cùng danh hiệu số một thế giới. Trong khi đó McIlroy chỉ vừa mới có chức vô địch châu Âu bán chuyên nghiệp, chức vô địch Mỹ mở rộng 2011 và chỉ đứng thứ tám trên bảng xếp hạng thế giới. Cho tới giờ, trong mắt những người yêu golf, Woods vẫn là một kiểu “độc cô cầu bại” của làng golf thế giới. Người ta nói Woods không bao giờ thua, vì anh không bao giờ nghĩ mình có thể thua. Woods kiêu ngạo, tự mãn, và anh được quyền như thế.
Trong khi đó, McIlroy đã từng bị chê bai bởi phong cách thi đấu thiếu cá tính, đôi khi mất điềm tĩnh và tập trung, những phẩm chất sống còn với một tay golf. Một phần bởi gương mặt anh luôn tỏ ra lo lắng và rụt rè. Kể từ chức vô địch ở Mỹ năm ngoái, sự dè chừng đã ít xuất hiện hơn trên gương mặt McIlroy, nhưng anh vẫn mang cái khí chất vui vẻ, hồn nhiên và thực sự vô tư, theo kiểu anh đang chơi golf theo cái cách anh muốn, không phải cách người ta muốn anh trở thành nhà vô địch.
Về phong cách cũng là sự khác biệt lớn. Trong khi McIlroy phô diễn lối chơi tài tử một cách hợp thời trang thì Woods không quan tâm đến điều đó. Anh đơn giản là sẽ ra sân và chơi golf. Những cú xoay của McIlroy đi theo quỹ đạo chuẩn đẹp như trong tranh vẽ để tiếp xúc với bóng một cách nhẹ nhàng và chuẩn mực nhất bất kể khi nào anh muốn. Còn Woods thì sử dụng toàn bộ cơ thể mình để truyền lực vào cú xoay tạo tốc độ lớn từ đầu gậy.
Ngay cả những lỗi bóng thường gặp nhất, họ cũng khác nhau. McIlroy thường bị những cú gậy quá mạnh làm hỏng mọi thành quả (như ở Masters 2011 hay ở lỗ 18 vòng một Mỹ mở rộng). Trong khi đó, điểm yếu của Woods lại ở lực trụ ở đầu gối trái (anh từng dính chấn thương khá nghiêm trọng ở Torrey Pines). Chủ nhiệm chương trình Khoa học thể thao John Brenkus từng cho biết “đầu gối trái của anh ấy từng phải chịu những lực xoay lớn gấp 15 lần trọng lượng cả cơ thể Tiger”.
Xét về hình thức, rõ ràng Woods đã thua hậu bối một bậc. McIlroy có một vẻ ngoài thư sinh, với đôi mắt sâu, cặp lông mày rậm rạp, nước da trắng và nụ cười tươi rất được lòng các chị em. Bởi thế mà McIlroy cũng đến với truyền thông và người hâm mộ dễ dàng hơn hẳn Woods khi mới nổi danh. Thế nhưng khác biệt lớn nhất chính là đời sống cá nhân của hai tay golf. Mối tình của McIlroy với tay vợt nữ cựu số một thế giới Caroline Wozniacki vẫn đang tỏ ra mặn nồng bền chặt. Trong khi đó, tình sử của Woods lại là nỗi xấu hổ, vết nhơ không bao giờ gột rửa được trong sự nghiệp đầy rẫy vinh quang của anh. Từ một tượng đài về đàn ông mẫu mực, chứng nghiện sex đã khiến Woods rơi vào cạm bẫy với danh sách lên đến hàng tá những người tình, bao gồm cả gái bán dâm và diễn viên phim con heo. Cũng kể từ đó, sự nghiệp của Woods rơi vào hố đen và chắc sẽ phải lâu nữa hoặc không bao giờ anh tìm lại được chính mình.
Con đường riêng mang tên anh
Dù có hay không bản hợp đồng 250 triệu USD với Nike, tại thời điểm này tên tuổi McIlroy cũng đã gây sốt làng thể thao trong nhiều ngày qua. Tay golf người Ireland đang có cả một tương lai phía trước, một lý lịch trong sạch không “bụi”, một bản hợp đồng đang chờ đợi. Việc của anh là làm tốt những gì đang sẵn có và đưa nó lên một đẳng cấp cao mới. McIlroy đi con đường của riêng anh, không lẫn với bất kỳ ai khác dù người đó có là Tiger Woods, tượng đài một thời của làng golf thế giới. Giá trị cốt lõi mà một vận động viên thể thao mang đến cho người hâm mộ là những cảm xúc và phong cách riêng độc nhất, thứ mà hàng chục danh hiệu hay muôn vàn kỷ lục đều không so sánh được, bởi suy cho cùng, ngay cả tượng đài, cũng có lúc bị sụp đổ.
tinthethao.com.vn