Từ một người phụ nữ da màu trở thành người đàn bà quyền lực nhất thế giới với cương vị ngoại trưởng Mỹ. Người đàn bà này còn nổi tiếng là một golfer có hạng trong giới chính trị gia thế giới. Đấy là Condoleezza Rice.
Tuổi thơ dữ dội
Sẽ không ai có thể phủ nhận một sự thật, chỉ cần nhắc đến vị cựu ngoại trưởng nổi tiếng cứng rắn này thì điều đầu tiên người ta nghĩ đến là đoạn hồi ức về một tuổi thơ không hề bình yên của bà. Bản thân bà Rice cũng thừa nhận điều đó trong cuốn hồi kí mang tên Extraordinary, Ordinary People: A Memoir of Family" (Những con người khác thường và bình thường: Hồi ký về gia đình). Condoleezza Rice sinh năm 1954 tại Birmingham, tiểu bang Alabama, thành phố từng được biết đến với những kì thị và nạn phân biệt chủng tộc với người da đen gay gắt nhất nước Mỹ. Thậm chí nơi đây còn được người ta gắn với cái tên Bombingham để ám chỉ những vụ đánh bom tàn sát người da đen. Bởi thế tuổi thơ của cô bé Condi - tên gọi thân mật của Condoleezza Rice được đặt theo một thuật ngữ âm nhạc là “con dolce” và “con dolezza” với nghĩa là sự ngọt ngào – cũng phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử. Cũng trong cuốn hồi kí kia, Rice từng kể bà đã buộc phải xuống nhà kho để thử áo bởi phòng thử đồ chỉ dành riêng cho người da trắng.
Nhưng bù lại, Condoleezza Rice có một gia đình tuyệt vời. Cha bà, ông John Wesley Rice, một mục sư tại nhà thờ Trưởng lão trưởng thành từ những đồng tiền chắt chiu tích lũy từ người cha là một nô lệ da đen. Mẹ bà, bà Angelena Rice là một giáo viên âm nhạc. Nhờ đó, ngay từ bé, Rice đã được nuôi dạy trong một môi trường coi trọng tri thức, đề cao tính kỉ luật, luôn được nhắc nhở phải “giỏi gấp đôi” người da trắng để được đứng vững trong xã hội. Đặc biệt, ông John luôn khích lệ Rice bằng cách nói có thể lúc này người Mỹ gốc Phi chưa có quyền bầu cử hay con có thể không có chiếc bánh hamburger ở Woolworth nhưng con có thể trở thành tổng thống Mỹ nếu học tập và làm việc không ngừng nghỉ. Rice rất thông minh với chỉ số IQ 136 nhưng cực kì chăm chỉ, sống quy phạm và biết rõ ngày mai mình sẽ làm gì và cần phải làm gì để nắm bắt tri thức, để thành công. Bởi thế, 3 tuổi, Rice đã đọc thông các nốt nhạc và thể hiện năng khiếu vượt trội với cây đàn piano, múa ba lê. Năm tuổi, Rice đã đọc thông viết thạo. Rice mê nhạc Mozart trong khi bạn bè đồng lứa chìm đắng trong âm nhạc của Elvis.
Năm 15 tuổi, Condi trở thành sinh viên trường đại học Denver. Tuy nhiên, lúc đó bà vẫn đang theo đuổi đam mê âm nhạc. Bước ngoặt đưa bà đến với chính trị chỉ thật sự khi Rice gặp Josef Korbel, một nhà ngoại giao kì cựu và cũng là cha của Ngoại trưởng Madeleine Albright dưới thời Tổng thống Clinton. Chính ông đã nhận những tố chất của một nhà ngoại giao tài năng trong Rice và khuyên bà nên theo ngành chính trị quốc tế. Như một mối lương duyên, Rice bị nó hút hồn. Và cánh cửa mở ra để chào đón một chuyên gia về Liên bang Nga Xô viết.
Ngôi sao trên chính trường
Sự tinh thông về Liên bang Nga Xô viết và khả năng nói tiếng Nga rất tốt của Rice trong khi các chuyên gia Xô viết khác của Mỹ chỉ nói được hai từ thông dụng nhất của tiếng Nga là spasibo và pozhaluista (cảm ơn và làm ơn) đã đưa Condoleezza Rice trở thành cố vấn chính trị về nước Nga của tổng thống George Bush (Bush cha). Nghe nói Bush cha tín nhiệm Rice đến mức khi giới thiệu Rice với nhà lãnh đạo Nga Gorbachev trong chuyến thăm Washington của ông này năm 1989, George Bush đã thú nhận, tất cả những gì ông biết về nước Nga đều học từ Condoleezza Rice.
Tuy nhiên, sự nghiệp chính trị của Rice chỉ lên như diều gặp gió khi Bush con đắc cử tổng thống. Ngay lập tức, bất chấp mọi quy tắc thông lệ, ông đưa bà trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm cương vị Cố vấn An ninh Quốc gia. Còn trong nhiệm kì thứ hai, một lần nữa, bất chấp những lá phiếu trống của giới chính trị gia Mỹ, George Bush đưa Rice trở thành một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới với cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Và như thế, bà là người Mỹ gốc Phi thứ hai sau Colin Powell và người phụ nữ thứ hai sau Madeleine Albright đảm đương cương vị này.
Có một điều không thể phủ nhận, Rice có một mối quan hệ vô cùng đặc biệt với tổng thống thứ 43 của Hoa Kì George Bush (Bush con). Rice có thể dành cả kì nghỉ với gia đình Busht tại trại David để cùng họ xem bóng đa, chơi golf, chạy bộ và nấu món gà. Điều hiếm có trong lịch sử các đời tổng thống Hoa Kì. Họ thân thiết đến mức ông Bush không bao giờ gọi tên Rice một cách đầy đủ cả họ và tên. Bản thân Rice cũng chẳng cần nghĩ tới lần thứ hai khi gọi điện cho tổng thống Bush giữa đêm để thảo luận các vấn đề quan trọng.
Và niềm đam mê golf
Với giới chính trị gia, golf luôn là một đam mê khó cưỡng. Condoleezza Rice cũng không phải là một ngoại lệ. Với người đàn bà từng được Time bình chọn top 100 người quyền lực nhất thế giới này, golf thú vị chẳng kém tennis và điền kinh mà bà đã chơi từ thuở thiếu thời. Rice bắt đầu chơi golf từ cách đây không lâu, năm 2005 từ một lời rủ rất ngẫu hứng của cô cháu gái ở Atlanta. Và cũng giống như lần tiếp xúc đầu tiên với bộ môn chính trị quốc tế, ngay cú đánh đầu tiên Rice đã khiến chồng cô cháu gái, vốn là tay golf có tiếng trong giới thượng lưu Mỹ phải ngạc nhiên.
Rice vốn thông minh. Và Rice luôn biết cách sử dụng trí tuệ tuyệt đỉnh của mình chinh phục môn thể thao đặc biệt khó chơi như golf. Không chỉ thể hiện rõ bản lĩnh qua sự bình tĩnh, Rice còn có khả năng dự đoán tuyệt vời điểm rơi của bóng cũng như những lực cản để có những cú phát bóng chuẩn đến ngỡ ngàng. Và bởi thế, dù mới đến với môn thể thao quý tộc này không lâu, nhưng Rice là một tay golf đáng nể trong giới chính trị gia.
Rice có những cú phát bóng hay chẳng kém George Bush – người đã chơi golf từ thuở Rice vẫn còn ngồi ở giảng đường trường Denver.
Hiện tại, Rice không chỉ là người phụ nữ đầu tiên ngồi vào cương vị Cố vấn An ninh cho Tổng thống, người phụ nữ da màu đầu tiên đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Mỹ, người phụ nữ đầu tiên và trẻ nhất ngồi vào chiếc ghế Hiệu trưởng ngôi trường danh giá Stanford. Bảng danh sách đáng tự hào đó vừa được Rice mở rộng thêm với lời mời trở thành một trong những nữ thành viên đầu tiên của Augusta National Golf Club, chủ nhà của giải The Masters. Điều đáng nói ở chỗ, câu lạc bộ golf danh giá bậc nhất cho giới thượng lưu này suốt 80 năm lịch sử của mình chỉ kết nạp các thành viên nam giới.
Condoleezza Rice:
Sinh năm: 14/11/1954 tại Birmingham.
Bằng cấp: Cử nhân Đại học Denver; Thạc sĩ Đại học Notre Dame; Tiến sĩ Trường quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Denver.
Sự nghiệp:
Từ năm 1993 đến nay: Giáo sư Đại học Stanford.
Từ 1/2005-1/2009: Ngoại trưởng Mỹ
Từ 1/2001-1/2005: Cố vấn An ninh Hợp chủng quốc Hoa Kì.
Golf:
Thành viên của các câu lạc bộ golf nổi tiếng như Stanford Golf Course, San Francisco Golf Club, Shoal Creek, Country Club of Birmingham và Augusta National Golf Club.
Handicap Index: 16.4.
Best score: 87.
Thời trang: Thích mặc đồ của Armani và Oscar de la Renta.
vietnamgolfmagazine.net