Rất có thể là nguyên nhân xuất phát từ một điều khoản quan trọng trong hợp đồng bảo hiểm sự nghiệp của Anthony Kim.
Theo một nguồn tin từ công ty quản lý IMG, Anthony Kim sẽ được nhận khoản tiền bảo hiểm lên tới 10 triệu đô la không phải đóng thuế nếu gặp chấn thương buộc phải chấm dứt sự nghiệp thi đấu. Điều đó khiến Anthony phải cân nhắc rất kỹ lợi hại về tài chính khi quay lại thi đấu sau một số chấn thương ở tay và chân. Sau một thời gian dài không thi đấu, anh khó có thể giành được các danh hiệu lớn cùng những khoản tiền thưởng giá trị cao. Một người bạn từng trao đổi về vấn đề tài chính với Anthony tiết lộ: “Kim nói rằng chỉ cần anh ấy trở lại một giải đấu bất kỳ thuộc PGA Tour, và chỉ cần thực hiện được một cú đánh bóng là điều khoản bảo hiểm cho chấn thương chấm dứt sự nghiệp sẽ không còn hiệu lực”.
Nếu quay lại thi đấu, Anthony Kim cần phải kiếm được tổng cộng 35 triệu đô la từ tiền thưởng và quảng cáo, thì sau khi trừ thuế và đủ loại chi phí khác mới bằng được khoản tiền bảo hiểm mà anh sẽ nghiễm nhiên được hưởng nếu không bao giờ thi đấu golf chuyên nghiệp nữa vì chấn thương đã mắc phải. Khi thi đấu, các golf thủ chuyên nghiệp ngoài việc phải đóng thuế thu nhập từ các khoản thưởng, họ còn phải chi rất nhiều khoản khác cho đại diện, phương tiện di chuyển, trả lương cho các huấn luyện viên, caddie, chuyên gia dinh dưỡng và thể lực…
Anthony Kim đã kiếm được tổng cộng 12,2 triệu đô la từ các giải đấu thuộc PGA Tour, trong đó có 9,2 triệu đô la ở giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp từ năm 2008 đến 2010. Anh ký được một hợp đồng lớn với Nike sau mùa giải rực rỡ 2008, giúp thu nhập năm tiếp theo của anh đạt tới mức 6 triệu đô la. Nếu trở lại thi đấu với phong độ cao như xưa, Anthony hoàn toàn có thể tích lũy được khoản thu nhập 35 triệu đô la trong vòng bốn hoặc 5 năm thi đấu tốt. Mặc dù vậy đó vẫn là một khoản tiền lớn và Anthony không thể chủ động.
|
Nếu cứ duy trì phong độ như thuở mới vào nghề,
Kim (phải) hoàn toàn có thể trở thành một McIlroy của làng golf Mỹ. |
Tuy nhiên Colt Knost, người chơi thân với Anthony tại các giải đấu, không cho rằng đó là nguyên nhân chính khiến golf thủ gốc Hàn Quốc quyết định ở ẩn một cách bí hiểm. Knost đánh giá: “Tôi không nghĩ AK sớm chấm dứt sự nghiệp golf chỉ vì vấn đề tiền bạc. Anh ấy là người rất thích tranh đua, bởi vậy việc anh ấy vắng mặt tại các giải đấu chắc hẳn là vì nguyên do nào đó khác biệt hơn. Tôi không thể tưởng tượng được rằng một người như anh ấy mà lại không quay lại thi đấu chỉ vì liên quan tới điều khoản bảo hiểm, trừ phi một điều gì đó đã thay đổi và anh ấy không còn muốn chơi golf nữa”.
Anthony Kim sinh ra và lớn lên tại một khu người Hàn Quốc ở Los Angeles. Anh là con duy nhất trong một gia đình người Hàn nhập cư và chuyên kinh doanh thảo dược châu Á. Cũng giống như Earl Woods từng định hướng cho con trai là siêu sao Tiger Woods, ông Paul Kim sau này cũng có niềm đam mê cháy bỏng với golf và muốn con trai Athony trở thành một ngôi sao của môn thể thao quý tộc này.
Paul rất nghiêm khắc với con trai Anthony trong việc hướng con trở thành một golf thủ chuyên nghiệp. “Bố tôi rất nóng tính, và luôn thúc ép tôi khi còn trẻ. Nhưng nhờ đó mà tôi tiến bộ rất nhanh trong sự nghiệp”, Anthony phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2010. Thậm chí ông Paul còn từng một lần cầm Cup mà Anthony mới giành được và quăng ngay vào thùng rác, vì cho rằng con trai đã chiến thắng nhưng đạt thành tích không ấn tượng.
Nhận thấy trung tâm Los Angeles không có đủ điều kiện để giúp Anthony phát triển tài năng golf, bố mẹ anh đã quyết định đưa anh tới một thành phố cách nhà tới hơn 200 km - La Quinta, California, nơi anh phải sống một mình từ khi mới 16 tuổi. Vào mỗi dịp cuối tuần, họ hàng và người thân đều tới chơi với Anthony. Riêng bà Miryoung, mẹ anh, tranh thủ nấu đồ ăn cũng như chuẩn bị sẵn thực phẩm cho anh trong những ngày phải đi học cũng như tập luyện golf của tuần kế tiếp. Tại trường trung học La Quinta, Anthony trưởng thành rất nhanh trên con đường theo golf chuyên nghiệp, và cũng giành được chức vô địch đáng chú ý đầu tiên tại CIF-Southern Section giống như đàn anh Tiger Woods trước kia. Sau đó Anthony theo học Đại học Oklahoma trong ba năm. Khi là sinh viên năm thứ hai, Anthony bắt đầu có nhiều trò quậy phá và cha anh cũng sớm phát hiện được điều đó. Ngày càng có nhiều cuộc tranh cãi giữa hai bố con qua điện thoại liên quan tới tính kỷ luật của Anthony, căng thẳng tới mức Anthony gần như không muốn chủ động trao đổi với bố trong gần hai năm.
Mùa hè 2006, Anthony Kim bắt đầu chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Anh chia sẻ vị trí thứ hai ngay ở giải đầu tiên tham gia, và bỏ túi khoản tiền thưởng gần 300.000 đô la tại giải Texas Open đó. Sau sự khởi đầu thuận lợi và có vẻ dễ dàng, Anthony cũng bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho những buổi tiệc tùng thay vì tập luyện. Anh nhanh chóng tạo được danh tiếng, nhưng cũng sớm bị nhiều người đánh giá là một chàng trai hư. Trước khi xa rời làng golf thế giới một cách bí ẩn, Anthony Kim cũng đã là một trong những golf thủ dính tới nhiều tin đồn nhất. Năm 2009, khi đang cùng tuyển Mỹ tham gia giải Presidents Cup, Anthony đã trở thành tâm điểm của vụ việc gây tranh cãi. Hồi đó anh bị một thành viên của đội Quốc tế (phần còn lại của thế giới trừ châu Âu) tố cáo đã nhìn thấy Kim chỉ trở lại khách sạn vào lúc 4 giờ sáng trong trạng thái say rượu sau ngày thi đấu thứ ba của giải đấu. Anthony đương nhiên phủ nhận mọi chuyện, và vẫn thi đấu rất tốt ở ngày tiếp theo với thắng lợi ở trận đánh đơn góp phần giúp tuyển Mỹ đoạt Cup. Mặc dù vậy, tới giờ vụ việc đó vẫn là một vết đen ảnh hưởng tới danh tiếng của anh.
|
Dù thế nào, sự biến mất của Kim cũng là điều vô cùng đáng tiếc cho các giải golf. |
Anthony Kim còn nổi tiếng là tay chơi hào phóng với bạn bè. Anh từng thuê máy bay chở caddie Brodie Flanders, vị đại diện cũ tại IMG, Chris Armstrong, và hai người bạn thân tên Stephen Ferguson và Ryan Todey tới khu nghỉ dưỡng tại thành phố Aspen ở Colorado. Tại đây anh đã thuê riêng cho cả nhóm một nhân viên mát xa nữ và một đầu bếp. Anh còn chi ra tới 2,3 triệu đô la để mua một khu biệt thự ở Dallas, Texas, làm chốn ăn chơi riêng cho anh và caddie Flanders (người phục vụ riêng trên sân golf) cùng hai người bạn Ferguson và Todey, và chi thêm 60.000 đô la để lắp đặt một rạp hát tại gia. Anthony còn chiều bạn tới mức quyết định mua một chiếc Bentley mui trần để dạo phố theo ý của họ. “Tôi thì muốn một chiếc Ferrari hoặc Lamborghini, nhưng tôi mua Bentley dựa theo quyết định cuối cùng của cả nhóm. Tôi phải sắm một chiếc xe có bốn chỗ để ba người bạn luôn có thể theo hỗ trợ tôi khi ra đường”, Anthony từng tiết lộ.
Hồi tháng 10/2010, tại một hộp đêm ở Las Vegas, anh thậm chí còn đi cùng hơn 20 người bạn và chi tiền mua hàng trăm chai vang Dom để trút mưa rượu lên sàn nhảy. Buổi vui chơi quá đà hôm đó bị một DJ chụp hình và đăng mạng xã hội Twitter, rồi được thông tin lại trên nhiều phương tiện truyền thông, khiến Anthony Kim phải bỏ một giải đấu quan trọng diễn ra ngay sau đó. Athony thì cho rằng vụ việc đó đã bị dư luận thổi phồng một cách quá đáng.
Làng golf thế giới, hoặc ít nhất là làng golf Mỹ, có lẽ vẫn sẽ bao dung với một kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc như Anthony, nếu anh tiếp tục thi đấu tốt và chiến thắng giống như trường hợp của huyền thoại Walter Hagen. Cựu golf thủ người Mỹ đã qua đời năm 1969 ở tuổi 76 này cũng từng là một tay chơi. Nhưng bù lại ông có một sự nghiệp huy hoàng với tổng cộng 11 danh hiệu vô địch ở ba trong tổng số bốn giải major (US Open, Open Championship, và PGA Championship), chỉ kém thành tích của Jack Nicklaus (18 danh hiệu major) và Tiger Woods (14). Tuy nhiên, Anthony Kim nhận được rất ít sự cảm thông vì anh dần dính nhiều cú bogey (đánh quá một gậy so với tiêu chuẩn) hơn là đạt được các cú birdie (đánh ít hơn một gậy so với tiêu chuẩn).
Trong 10 giải đấu đầu tiên của năm 2012, anh có tới bốn lần không vượt qua được nhát cắt để tham gia hai vòng đấu cuối quyết định chức vô địch. Sau đó anh có tới ba lần phải xin rút khỏi các giải vì những lý do chấn thương ở ngón cái tay trái, cổ tay trái và khuỷu tay. Hồi tháng 5 năm đó, Anthony thậm chí còn nổi cáu với phóng viên Doug Ferguson của hãng tin AP khi được hỏi về nguyên nhân xuống phong độ. “Tôi chán phải nghe thấy mọi người bàn tán khắp nơi với những câu hỏi kiểu như ‘Có chuyện gì xảy ra với anh ấy vậy’, hay ‘Anh ấy không còn quan tâm tới golf?’. Hình như mọi người đều có quyền đưa ra một lý do giải thích cho phong độ thi đấu của tôi. Xin thưa không có ai biết rõ nguyên nhân ngoài tôi. Tôi cần phải đánh bóng, cần phải tập luyện. Nhưng tôi đang làm đau chính bản thân mình khi phải cố gắng thực hiện các cú đánh bóng”, Anthony trả lời phỏng vấn cùng thái độ tức giận.
Không lâu sau đó anh gặp chấn thương ở gót chân khi chạy trên bờ biển, rồi phải phẫu thuật và vắng mặt tại các giải đấu suốt từ đó tới giờ mà chưa từng có thêm một lời giải thích chính thức nào.
Thành tích tốt nhất của Anthony Kim tại các giải major
Masters: Thứ ba, năm 2010
US Open: Thứ 16, 2009
The Open Championship: Thứ 5, 2011
PGA Championship: Thứ 50, 2007
|
|
tinthethao.com.vn