Haney bật mí những bí mật chưa ai biết đến về cựu vương, và cho rằng Tiger Woods chỉ là nốt câm trong bản giao hưởng của loài người. Rằng anh là đồ rẻ tiền, kiêu ngạo, thiếu thận trọng, tự phụ, ích kỷ, không trưởng thành, máu lạnh, hách dịch…, và là kẻ thất bại thảm hại.
Giờ đây, qua Haney mà chúng ta biết được Tiger Woods không chỉ chơi trò Đặc Nhiệm Hải Quân SEALs trong video game mà còn chơi trong thực tế. Và trò chơi mạo hiểm đó có vẻ như đã gây nguy hại cho khớp gối vốn đã mỏng manh của Woods. Ngoài ra anh còn bị bắn bằng đạn cao su, tạo nên một vết thâm tím to cỡ quả bóng bầu dục trong quá trình tập huấn ở Kill House.
Chúng ta cũng biết chiếc xe golf của Woods hầu như đã đi vòng quanh Isleworth, có thể tránh các vòi nước khi đi với vận tốc 45km/h, gấp đôi bình thường. Rõ ràng anh ấy điều khiển nó còn tốt hơn chiếc SUV của mình hay cả bóng golf. Chúng ta còn biết từ ngòi bút của Haney rằng, Tiger không mấy ưa Phil, và rằng anh cũng chẳng ưa gì đợt cai nghiện tình dục.
|
Haney và Woods khi còn làm việc chung |
Đọc qua “Những sai lầm to lớn”, tôi mừng vì đã không dành 100 ngày trong năm để tập luyện với thầy dạy golf của mình, bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết được con người tuyệt vời đó, người mà bạn đã hết sức tin tưởng, sẽ sẵn sàng nói xấu bạn một khi không còn kiếm chác gì được từ bạn. Vậy nên cuối cùng, những điều gây chú ý về tác phẩm của Haney không chỉ là chiếc hộp Pandora chứ đựng những bí mật về cuộc sống của Tiger Woods, mà còn vạch ra được bản chất của tác giả, người từng là huấn luyện viên golf được Woods một thời tin tưởng.
Không cần phân tích dài dòng cũng có thể tìm được lý do, và cho dù có ý định hay không thì động lực của Haney cũng thể hiện quá rõ ràng trong từng câu từng chữ ông viết, đặc biệt là ở chương cuối. Chúng ta sẽ lướt qua chương đó. Nhưng còn golf thì sao? Có lời nào của Haney viết về golf như ông đã nói trước đây không?
Vâng, thật may là có. Phần lớn là đào sâu vào cách điều chỉnh cú swing, và kinh nghiệm giữ cho vai không quá căng trong lúc vung gậy, những chia sẻ của một tâm hồn cống hiến không ngưng nghỉ cho việc theo đuổi sự hoàn hảo. Chính điều này cho ta thấy quyển sách cũng nói về Haney, nhiều như kể tội Woods vậy. Qua ngòi bút của mình, ông đưa chúng ta tới những nơi mà chúng ta chưa từng tới, chẳng hạn như: nghe trộm trong lúc tập luyện, cắm trại trong phòng khách, và cột chặt dây an toàn trên máy bay của Tiger. Haney luôn giữ khoảng cách an toàn với Woods, và ông luôn tính toán kỹ những gì ông thu được từ các giải major mà Woods tham gia.
Mỗi người họ đều mang lại những thứ cần thiết cho quan hệ thầy trò, mặc dù khái niệm quan hệ ở đây có vẻ khá kỳ quặc, được minh họa khá rõ trên bìa sau của “Những sai lầm to lớn.” Có một khoảng cách không thể vượt qua được giữa 2 thầy trò. Đối với Haney thì Woods chính là nơi để ông phô bày lý thuyết của mình về quỹ đạo của những cú swing. Nếu ông có thể giúp Tiger chơi tốt hơn thì ông và cái lý thuyết của ông có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn cả vé đi xem The Masters. Và biết đâu ông còn có cả chương trình riêng của mình trên Golf Channel.
Nhưng Tiger không phải là một cậu trò ngoan. Anh khá cứng đầu. Anh có những ý tưởng riêng của mình và rất thích thử nghiệm những ý tưởng đó. Nói cách khác, ngoài những bài tập của Haney, Tiger sẵn sàng chịu đựng sự không thoải mái để có được cú swing hoàn hảo. Haney viết: “Tôi nhận ra rằng Tiger phải bị phán xét về những gì anh ta cố gắng giành lấy, đó là không chỉ trở thành tay golf giỏi nhất thế giới, mà là tay golf giỏi nhất anh có thể trở thành… Anh ta chạy theo thứ gì độc nhất vô nhị, thứ mà người khác không bao giờ đạt được. Và một trong những cái giá phải trả cho điều đó chính là anh ta mất đi một vài tính chất của con người.”
Về mặt cảm xúc, Haney cho, nhưng Tiger thì không. Anh không thể hiện một chút gì về việc đánh giá cao những nỗ lực của Haney, và khi anh chơi không tốt thì đổ lỗi ngay lên thầy của mình. Haney nhắc đến điều đó hơn một lần trong sách của mình. Tuy vậy, họ vẫn có nhiều tiến bộ. Mặc dù không bao giờ thoải mái khi tập với Tiger, nhưng Haney đã giúp anh hạn chế những nguy hiểm, và loại bỏ những cú đánh hook sang trái để tránh áp lưc đè lên chân trái bị thương của anh. Và những bài học đánh ngắn ông dạy cho Tiger quả thật tuyệt vời.
Tiger luôn có khả năng đánh tốt những cú đánh từ phía ngoài green, kỹ năng mà anh đã dành không ít thời gian tập luyện. Nhưng anh có một sở trường là không thích những gì đơn giản. Haney đã nhận ra điều đó. Và ông liên hệ câu chuyện của một nhà vô địch môn billiards trong bài giảng của mình, rằng không có cú đánh nào là dễ dàng. Woods đã thấm nhuần bài học đạo đức đó và kỹ năng đánh ngắn của anh tiến bộ thấy rõ.
Sau đó thì những quan sát của Haney lại tập trung vào huyền thoại về Tiger, về cuộc sống của anh trước và sau khi vụ bê bối tình dục bị phát hiện. Anh ít tập luyện hơn dẫn đến phong độ và ánh hào quang cũng bắt đầu lụi tàn.
Nếu bạn có ý định đọc “Những sai lầm to lớn” thì sau khi xem qua chắc chắn bạn sẽ nghĩ Haney và Woods thật sự là một cặp thầy trò ăn ý.