Quan hệ giữa Woods và McIlroy, người được coi là sẽ thừa kế vị trí tưởng như không thể thách thức của anh trong thế giới golf, hiện giờ là khá tốt đẹp. “Tình bạn của chúng tôi bắt đầu ở Abu Dhabi đầu năm nay”, McIlroy nói trong một cuộc phỏng vấn chung với Woods. “Tôi từng chơi với anh ấy trước kia nhưng chưa bao giờ có cơ hội trò chuyện. Tôi cho rằng chúng tôi có nhiều điểm chung, đều yêu thể thao và quan hệ đã tiến triển nhờ chơi cùng nhau nhiều hơn. Tôi thấy rất hài lòng được quen biết và học hỏi từ anh ấy”.
Trước khi McIlroy nổi lên, đối thủ lớn nhất của Woods là Phil Mickelson, và quan hệ của họ khá lạnh nhạt.
Những kẻ thù thân thiện
Nhưng hiện giờ Woods, 36 tuổi, tỏ ra hài lòng hơn trong cuộc cạnh tranh với McIlroy, dù đối thủ 23 tuổi của anh đang sắp giành mất hợp đồng quảng cáo béo bở với Nike của Woods. “Chúng tôi đối đầu vài lần, nhưng có nhiều điểm chung”, Woods nói. “Đúng là có khác biệt tuổi tác, nhưng tôi cũng kết bạn với Mark O’Meara, một người hơn tuổi tôi (55 tuổi). Tôi cho rằng quan hệ của tôi với Rory sẽ phát triển qua nhiều năm, nhưng cả sự cạnh tranh nữa”.
|
Tiger Woods (trái) và Rory McIlroy, bạn bè nhiều hơn là đối thủ |
Tuy nhiên, nếu Woods và McIlroy thực sự trở thành những kình địch như Nicklaus-Tom Watson và Ben Hogan-Sam Snead, họ sẽ không thể là bạn bè nữa, theo chuyên gia về lãnh đạo thể thao Khoi Tu. “Ở mức độ cực đoan, bạn phải rất mạnh mẽ và nhiều tính cạnh tranh mới có thể đánh bại được những đối thủ lớn”, Tu nói với CNN. “Trong trường hợp này, nhân đạo với kẻ thù là tàn ác với bản thân. Bản năng chiến thắng là bắt buộc với mọi ngôi sao thể thao lớn”.
Như Nicklaus từng nói về Palmer: “Chúng tôi là những bạn bè kình địch hay là những kẻ thù thân thiện. Cả đời chúng tôi đã chống lại nhau, Arnold và tôi tranh đấu vì mọi thứ”.
Các ngôi sao quần vợt Murray và Djokovic đã từng là bạn bè khi còn thơ ấu, nhưng giờ họ là những đối thủ không thể nhân nhượng ở đỉnh cao của làng banh nỉ thế giới, một mối quan hệ bạn bè-thù địch phức tạp không kém những người tiền bối Federer-Nadal, Borg-McEnroe hay Navratilova-Evert.
Roger Federer lúc đầu đã tỏ ra khá cay cú khi Rafael Nadal chấm dứt sự thống trị của anh trên sân quần vợt, nhưng giờ họ đều khẳng định là bạn tốt của nhau, nhưng chuyên gia Tu không cho là như vậy. “Những ngôi sao thể thao lớn chia sẻ các trải nghiệm và xây dựng mối quan hệ với mọi người”, Tu nói. “Mối liên hệ đó khác với tình bạn. Nó là sự tôn trọng”.
Những kình địch thực sự
Bản chất của môn golf, một môn quý tộc đòi hỏi sự lịch sự, đúng mực và cả lịch lãm từ người chơi, khiến Woods và McIlroy dễ thể hiện tình bạn hơn, như khi họ cùng nhau tham dự một giải biểu diễn được trả tiền rất cao ở Trung Quốc mới đây.
“Cả hai đã kiếm được rất khá ở Trung Quốc, điều đó giúp họ tăng cường tình bạn”, chuyên gia tâm lý học thể thao Dan Abrahams bình luận. “Cãi cọ trong một môn thể thao như golf được coi là không thích hợp, trong khi với bóng đá, việc lời qua tiếng lại giữa các huấn luyện viên đối địch như Alex Ferguson và Arsene Wenger là hết sức bình thường”.
Abrahams cũng cho rằng một số tay golf lớn tuổi hơn McIlroy và là kình địch của anh ở châu Âu như Luke Donald, Lee Westwood và Darren Clarke, có thể gặp bất lợi vì mối quan hệ quá thân thiện với ngôi sao mới nổi.
“Tôi cho rằng thế hệ các tay golf trẻ hiện quá thân thiện với nhau”, Abrahams nói. “Thử so sánh họ với Nick Faldo. Anh ấy nổi tiếng là người trầm lặng và cô độc, điều giúp anh có tính cạnh tranh rất cao. Tôi cho rằng trong thể thao, giữ khoảng cách nhất định với đối thủ là điều có ích”.
Tuy nhiên, McIlroy bác bỏ các chỉ trích. “Chúng tôi không phải là những người thù oán nhau. Giải đấu thường rất dài và bạn phải có bạn bè xung quanh”, tay golf người Bắc Ireland nói. “Cuộc sống trong các tour du đấu sẽ buồn và cô đơn nếu bạn không có vài bạn bè có thể chơi chung, đi ăn tối cùng… Những gì tốt cho Faldo không chắc đã tốt cho tôi”.
Thế giới của đua xe F1 cũng đang có những thay đổi như vậy. Alonso từng nổi tiếng vì va chạm với các tay lái đồng đội. Anh rời McLaren chỉ sau một mùa vì không chấp nhận được Lewis Hamilton. Tuy nhiên, năm nay tay đua người Tây Ban Nha giành sự tôn trọng nhiều hơn hẳn cho Vettel, bất chấp mối kình địch giữa họ.
Thể thao là mã thượng?
Tuy nhiên, đã xuất hiện tin đồn về việc đội đua của Alonso muốn có Vettel cho mùa giải 2014, một thử nghiệm đầy bất trắc cho mối quan hệ giữa hai tay đua. “Khi có hai tay đua cùng là số một thế giới trong đội của mình, sự rạn nứt là khó tránh khỏi”, Tu, từng làm việc với cựu vô địch F1 Jackie Stewart và đội đua Ferrari, nói. “Họ rất hiếm khi là bạn tốt. Họ tin cậy nhau, hợp tác và tôn trọng nhau trong khuôn khổ nghề nghiệp, nhưng chơi bời với nhau là chuyện khác”.
Người từng bảy lần vô địch F1, Michael Schumacher, nổi tiếng với thái độ chiến thắng bằng mọi giá, nhưng điều đó giờ không còn được nhiều người hâm mộ thể thao đánh giá cao nữa, nhất là sau những gì diễn ra với Lance Armstrong, bị phát hiện đã sử dụng doping một cách có hệ thống trong suốt sự nghiệp của anh.
“Ranh giới là mong manh”, Tu bình luận. “Khát vọng chiến thắng là rất quan trọng, nhưng không phải bằng mọi giá. Quá ham chiến thắng có thể đẩy vận động viên vào trong góc tối, rất nguy hiểm. Tôi cho rằng thể thao đang tự điều chỉnh mình, và khẩu hiệu mọi người đều chiến thắng, như ở các kỳ Olympic, không còn là sáo ngữ nữa. Giờ đây, hầu hết đều nhất trí chiến thắng là quan trọng, nhưng không phải bằng mọi giá. Tinh thần thể thao mới là điều quan trọng hơn”.
tinthethao.com.vn